CÁC NGHI THỨC TRUYỀN THỐNG CỦA ĐÁM CƯỚI TẠI PHƯƠNG TÂY
Lễ cưới của mỗi quốc gia luôn mang theo vẻ đẹp văn hóa và triết lý cuộc sống của con người qua từng thời kỳ lịch sử. Mặc dù những quan niệm, văn hóa và nghi thức trong ngày cưới sẽ chuyển biến theo thời gian, nhưng ý nghĩa sau cùng của lễ cưới sẽ luôn nhằm tôn vinh vẻ đẹp của tình yêu thương con người. Hãy cùng Meraki xem qua các nghi thức truyền thống của lễ cưới tại các nước bạn, cụ thể là phương Tây, và tìm hiểu sự khác biệt đối với lễ cưới của người Á Đông.
First look
CÁI NHÌN ĐẦU TIÊN
Trong tục lệ xưa của các nước Châu u, chú rể sẽ không được nhìn thấy cô dâu trước giờ làm lễ vì họ tin rằng đó là một điều không may mắn. Nghi lễ First Look được hiểu là “Cái nhìn đầu tiên”, đó là khoảnh khắc khi chú rể được nhìn thấy người bạn đời của mình lần đầu tiên trong chiếc váy cưới trước giờ thành hôn.
Nghi thức này không chỉ làm giảm sự căng thẳng, lo âu của cả hai trước giờ làm lễ mà còn là khoảng thời gian riêng tư mà cô dâu và chú rể dành cho nhau trước khi bước vào lễ đường. Và tụi mình tin rằng đây luôn là một trong những khoảnh khắc đặc biệt và đong đầy cảm xúc nhất trong ngày cưới của các cặp đôi. Ngoài First Look với chú rể, người phương Tây sau này còn có thêm First Look với cha và mẹ của cô dâu, và First Look với các nàng phù dâu nữa!
First touch
LẦN CHẠM TAY ĐẦU TIÊN
Đối với một số cặp đôi, có thể cái nhìn đầu tiên (First Look) thực sự không phải là điều họ mong muốn bởi họ đã luôn hình dung và nghĩ về việc sẽ gặp được vị hôn phu của mình lần đầu tiên ở nơi lễ đường thành hôn. Và First Touch có thể là một lựa chọn sáng suốt cho những cặp đôi này.
Đây là khoảnh khắc ngọt ngào dành riêng cho những cặp đôi không có ý định gặp nhau trước buổi lễ, họ sẽ xoay lưng lại, bịt mắt hoặc đứng ở hai phía cửa để không nhìn thấy nhau, sau đó chia sẻ những lời thề với nhau hoặc chỉ cần trò chuyện đôi ba câu để giảm sự bớt căng thẳng và âu lo.
Còn gì hạnh phúc hơn khi được nắm tay người bạn đời của mình và trao nhau những lời từ tận trái tim trước khi hai người cùng nhau bước qua một chương mới của cuộc đời, nơi mà họ sẽ luôn đồng hành cùng nhau trong suốt quãng đời còn lại?
First dance
ĐIỆU NHẢY ĐẦU TIÊN
Điệu nhảy đầu tiên (First Dance) là khi cô dâu chú rể lần đầu tiên cùng nhau khiêu vũ trong buổi tiệc. Đây có lẽ là một sự kiện được nhiều người mong đợi nhất bởi lẽ họ được ngắm nhìn hai người mà họ yêu quý trao cho nhau những ánh mắt ngọt ngào cùng với những điệu nhảy lãng mạn (hoặc sôi động) với cương vị là vợ là chồng.
Để đảm bảo rằng sự đồng bộ và thống nhất trên sàn nhảy, một số cặp đôi sẽ tham gia các lớp học khiêu vũ. Điệu nhảy khiêu vũ đầu tiên có thể diễn ra ngay sau khi cô dâu và chú rể bước vào tiệc cưới, ngay sau khi bữa tối được phục vụ, hoặc sau khi cắt bánh. Các bài hát được chọn thường là những bài nhạc có ý nghĩa sâu sắc nhất đối với các cặp đôi cũng như mối quan hệ của họ.
Wedding toasts
LỜI CHÚC RƯỢU
Lời chúc rượu (wedding toast) là bài phát biểu chúc mừng hạnh phúc cho cặp đôi vừa kết duyên. Thường trong những bài phát biểu này, người phương Tây sẽ kể lại những câu chuyện xưa, về mối quan hệ thân tình của họ với cô dâu hoặc chú rể cùng những cảm xúc và suy nghĩ mà họ đang có cũng như lời cầu chúc tốt đẹp đến đôi uyên ương.
Những bài phát biểu này thường mang tính hài hước, ngọt ngào, và đôi khi xúc động. Việc cụng ly thuỷ tinh vào nhau cũng mang ý nghĩa xua đuổi và ngăn chặn những linh hồn xấu rình rập, đảm bảo sự may mắn tuyệt đối cho cô dâu và chú rể. Trong tục lệ đám cưới truyền thống, bố của cô dâu sẽ là người nâng cốc chúc mừng đầu tiên, tiếp theo sẽ là chú rể, cô dâu, phù dâu (maid of honor), và cuối cùng sẽ là phù rể (best man).
Cake cutting
CẮT BÁNH
Nghi thức cắt bánh có lẽ là nghi thức phổ biến nhất trên khắp các quốc gia trên thế giới. Truyền thống có ý nghĩa phản ánh cuộc sống mà đôi uyên ương sẽ sẻ chia cùng nhau, tượng trưng cho sự ủng hộ của người chồng dành cho người vợ và lời hứa sẽ bên nhau đến răng long đầu bạc. Sau khi cắt bánh, cặp đôi sẽ trao cho nhau mẩu bánh đầu tiên và thưởng thức cùng với rượu champagne.
Một truyền thống cực kỳ độc đáo và cũng không kém phần kỳ lạ là các cặp đôi ở phương Tây thường sẽ giữ lại tầng bánh trên cùng của chiếc bánh cưới và bảo quản nó ở tủ đông. Khi đến kỉ niệm ngày cưới một năm, họ sẽ lấy ra, cùng nhau thưởng thức và đồng thời dùng nó để làm lễ rửa tội cho đứa con đầu lòng của họ. Và đương nhiên, tuỳ vào nguyên liệu của bánh và cách bảo quản mà bánh kem vẫn có thể giữ được hương vị sau khoảng thời gian ấy.
Ngoài ra, bánh kem cho chú rể cũng là một trong những phong tục độc đáo. Trong khi chiếc bánh cưới cô dâu thường được trang trí theo cách đơn giản và tối giản nhất thì bánh chú rể lại có phần cầu kì và “vui nhộn” hơn, mang đậm màu sắc và sở thích của chỉ chú rể.
Bouquet toss
TUNG HOA
Truyền thống tung bó hoa của cô dâu đã tồn tại hàng trăm năm và phát triển theo thời gian. Theo truyền thống này, các cô dâu tung bó hoa qua vai cho những phụ nữ độc thân ở buổi tiệc. Người may mắn bắt được bó hoa được cho là người tiếp theo sẽ thành hôn. Nghi thức này thường được diễn ra vào cuối buổi tiệc và đôi khi nó có thể trở nên khá cạnh tranh (ở một phương diện tốt).
Đối với cô dâu, đó là một cách để tôn vinh những người bạn độc thân của họ và chúc họ may mắn. Đối với người phụ nữ may mắn bắt được bó hoa, nếu cô ấy chưa gặp được người trong mơ của mình thì ít nhất cô ấy sẽ về nhà với một bó hoa lộng lẫy và một tâm trạng đầy hạnh phúc.
Garter toss
TUNG NỊT TẤT
Nịt tất là một phần nội y của cô dâu mặc bên dưới váy cưới. Sau phần nghi thức tung hoa cưới, chú rể sẽ tháo chiếc khăn cài bên dưới váy cô dâu (bằng tay hoặc răng) và quay lưng lại, tung nó vào đám đông của các chàng trai còn độc thân.
Truyền thống tung nịt tất rất giống với truyền thống tung bó hoa cô dâu. Và người đàn ông độc thân nào bắt được chiếc nịt tất này được cho là người sẽ kết hôn tiếp theo. Phần nghi thức này có lẽ chưa được phổ biến rộng rãi ở Châu Á, và mọi người thường sẽ dùng nghi lễ tung hoa cưới để dành cho tất cả mọi người, cả cánh phụ nữ và cánh đàn ông.
Một trong những sự thú vị trong công việc của tụi mình là biến các nghi thức truyền thống thành những nghi thức của riêng các cặp đôi và phản ánh nét độc đáo của hai người theo cách trọn vẹn nhất. Một số cặp đôi chọn gắn bó với các nghi thức truyền thống, một số thêm vào nghi thức riêng của họ và một số bỏ qua hoàn toàn để ủng hộ việc bắt đầu truyền thống gia đình mới. Không có cách nào đúng hay sai, chỉ có cách phù hợp với từng cá nhân. Và đây là điều làm cho việc lập kế hoạch và tổ chức tiệc cưới có những nét rất riêng và trở nên vô cùng thú vị.
Chúc bạn may mắn
Thân,
Từ Meraki team